Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Đại sứ Bắc Triều Tiên gặp nhà điều tra nhân quyền LHQ

Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc gặp nhà điều tra của LHQ đặc trách nhân quyền, vào lúc mà nhà ngoại giao này muốn đưa chế độ Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những tội ác chống nhân loại.

Marzuki Darusman, đặc phái viên LHQ đặc tránh về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (unphotos.org)
Marzuki Darusman, đặc phái viên LHQ đặc tránh về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên (unphotos.org)
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song hôm qua đã gặp báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc Marzuki Darusman để thảo luận về “hợp tác trong tương lai trên vấn đề nhân quyền” ở Bắc Triều Tiên.

Cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Bắc Triều Tiên với ông Darusman diễn ra sau khi ngày 22/10 vừa qua, nhà điều tra Liên hiệp quốc đã trình bày trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc một bản báo về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên. Trong báo cáo này, ông Darusman đã kêu gọi các quốc gia Đại hội đồng LHQ yêu cầu Hội đồng Bảo an đưa chế độ Bình Nhưỡng ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì những tội ác chống nhân loại.

Một quan chức Liên hiệp quốc cho biết là Bắc Triều Tiên đã ngỏ ý mời ông Marzuki Darusman đến nước họ, đồng thời đề nghị ông bỏ yêu cầu đưa chế độ Bình Nhưỡng ra trước tòa án quốc tế.

Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu cũng đã đề nghị một dự thảo nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ thi hành những biện pháp thích đáng đối với chế độ Bình Nhưỡng, kể cả việc đưa chế độ này ra trước toà án La Haye. Vào cuối tháng 11 tới, Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ biểu quyết về vấn đề này.

Phái đoàn Nhật đến Bình Nhưỡng 

Cũng liên quan đến Bắc Triều Tiên, một phái đoàn Nhật Bản hôm qua (27/10/2014) đã lên đường đi Bình Nhưỡng theo lời mời của chính phủ nước này để nắm thông tin điều tra về số phận của những công dân Nhật bị bắt cóc trong thời gian chiến tranh lạnh. Đây là lần đầu tiên từ 10 năm qua, một phái đoàn Nhật Bản đến Bắc Triều Tiên để bàn về hồ sơ này.

Cuối tháng 5 vừa qua, Bình Nhưỡng đã chấp nhận mở lại điều tra về người Nhật bị bắt cóc, đổi lại việc Tokyo dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt. Cho tới nay, Nhật Bản vẫn xem việc giải quyết hồ sơ này là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.