Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HOA KỲ

Bình Nhưỡng thả con tin Mỹ nhưng vẫn chưa có đối thoại

Việc Bình Nhưỡng bất ngờ thả một trong ba công dân Mỹ đang bị cầm tù tại Bắc Triều Tiên, có thể là nhằm có được các đối thoại trực tiếp với Washington. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng này còn rất xa vời.

Sau Jeffrey Fowle, Mỹ hy vọng hai công dân khác là Matthew Miller và Kenneth Bae sớm được tự do - Reuters
Sau Jeffrey Fowle, Mỹ hy vọng hai công dân khác là Matthew Miller và Kenneth Bae sớm được tự do - Reuters
Quảng cáo

Hôm qua, chính quyền Mỹ thông báo ngắn gọn sự việc và từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào liên quan đến các điều kiện ông Jeffrey Fowle được thả. Mặt khác, Washington khẳng định tiếp tục các nỗ lực để cho hai người Mỹ khác, ông Matthew Miller và Kenneth Bae, vẫn còn bị Bình Nhưỡng giam giữ, sớm được tự do.

Sự kiện ông Fowle được thả làm cho tất cả giới quan sát ngạc nhiên, bởi vì cho đến nay, Bình Nhưỡng liên tục bác bỏ đề nghị của Washington cử đặc phái viên tới Bắc Triều Tiên để đàm phán việc trả tự do cho các công dân Hoa Kỳ.

Ông Paul Carroll, chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở Ploughshares Fund, San Francisco, nhận định : « Thông thường, con đường đi tới giải quyết loại việc này rất rõ ràng, thế nhưng lần này lại không như vậy ». Có thể là « Bắc Triều Tiên tìm cách thăm dò các con đường khác để nối lại đối thoại với Hoa Kỳ ».

Vẫn theo ông Carroll, trong bối cảnh sức ép đối với Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng trong lĩnh vực nhân quyền, dường như Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ là cũng biết cách cư xử.

Hồi tháng Hai, Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Bắc Triều Tiên và đánh giá các hành động này không khác gì các tội ác dưới thời phát xít, hoặc tội ác diệt chủng dưới thời Khmer Đỏ, ở Cam Bốt. Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản còn muốn kiện Bình Nhưỡng phạm tội ác chống nhân loại ra trước Tòa án hình sự quốc tế.

Đối với Washington, chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng việc bắt các con tin Mỹ như một lá bài chính trị. Do vậy, theo giới phân tích, Hoa Kỳ rất thận trọng, tính toán kỹ trước khi có bất kỳ một nhượng bộ nào đối với các đòi hỏi của Bắc Triều Tiên.

Ông John Delury, chuyên gia về Triều Tiên, thuộc đại học Yonsei, Seoul, giải thích, chính quyền Obama chủ trương không đền đáp những hành vi xấu xa, do vậy, mong đợi của Bình Nhưỡng khi thả ông Fowle cũng khó được Washington đáp ứng. Chuyên gia này nhận định, việc thả ông Fowle là « một tín hiệu tích cực, nhưng sẽ còn tích cực hơn nếu tiếp sau đây là việc trả tự do cho những người khác. Thực ra, đây chỉ là bớt đi một chủ đề gây khó chịu. Việc nối lại đối thoại trực tiếp thì còn rất xa vời ».

Chuyên gia Peter Beck, thuộc Viện New Paradigm, Séoul, nhấn mạnh : « Việc trả tự do này không làm thay đổi vấn đề một cách cơ bản. Bắc Triều Tiên có thể cho rằng giờ đây trái bóng ở bên sân của Mỹ, nhưng chưa rõ liệu Washington có muốn đối thoại hay không, ít ra là trước khi hai người khác được trả tự do ».

Theo một số nhà bình luận, vấn đề chính trị nước Mỹ, cùng với cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ, cũng có thể tác động đến hồ sơ này.

Thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA, hôm nay, cho biết lãnh đạo Kim Jong Un đã quyết định thả ông Jeffrey Fowle, sau khi xem xét « các lời đề nghị liên tiếp » của Tổng thống Barack Obama.

Chính quyền Washington đã đáp lại cử chỉ của Bắc Triều Tiên một cách rất chừng mực. Đang công du Berlin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng là các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ sớm được nối lại, tức là trong khuôn khổ vòng đàm phán sáu bên, chứ không phải tay đôi trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên.

Cho đến nay, Hoa Kỳ luôn luôn nhấn mạnh là chỉ mở đối thoại ở cấp cao nếu Bắc Triều Tiên thể hiện rõ quyết tâm từ bỏ chương trình hạt nhân.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.