Vào nội dung chính
MALAYSIA - NHẬP CƯ

Malaysia xua tầu nhập cư ra khỏi lãnh hải

Gần 2.000 người nhập cư, trong đó đa số là người thiểu số Hồi giáo Rohingya, đã vượt biển tới hai nước Indonesia và Malaysia sau khi chính phủ Thái Lan siết chặt kiểm soát nạn buôn người. Hôm qua, 12/05/2015, tới lượt Malaysia bắt chước nước láng giềng Indonesia, tuyên bố sẽ áp giải các tầu chờ người nhập cư trái phép ra khỏi lãnh hải nước này. 

Một số trong hàng trăm thuyền nhân được cho là người Rohingya được may mắn được cứu ở ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia hôm 12/05/2015.
Một số trong hàng trăm thuyền nhân được cho là người Rohingya được may mắn được cứu ở ngoài khơi tỉnh Aceh, Indonesia hôm 12/05/2015. REUTERS/Roni Bintang
Quảng cáo

Malaysia, quốc gia phồn thịnh trong khu vực với phần đông là người Hồi giáo, cảnh báo sẽ xua đuổi các tầu nhập cư trái phép ra khỏi vùng biển nước này, ngoại trừ các tầu có nguy cơ bị đắm chìm. Đô đốc Hải quân Tan Kok Kwee cho AFP biết các tầu nhập cư sẽ bị áp giải ra ngoài khơi sau khi cấp cho họ một số nhu yếu phẩm cần thiết.

Trước cuộc khủng hoảng chưa từng thấy về nạn nhập cư, Thái Lan thông báo triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh ngày 29/05 tại Bangkok với đại diện của 15 nước, trong đó có Úc, Indonesia, Malaisia, Cam-Bốt, Lào, Miến Điện, Việt Nam, Bangladesh và Hoa Kỳ.

Các tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư Miến Điện và Bangladesh gây sức ép lên chính phủ các nước trong vùng, yêu cầu khẩn trương hành động để tránh một thảm họa nhân đạo. Theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn, từ tháng Giêng tới tháng Ba năm nay, khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh đã vượt biển, tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2014.

Hôm qua, hải quân Indonesia thông báo đã kéo ra khơi một chiếc tàu chở khoảng 400 người nhập cư bị bỏ rơi và tuyên bố, đó « không phải là vấn đề » của Jakarta. Cùng ngày, hải quân Bangladesh cũng chặn một chiếc tầu chở 116 người Bangladesh bị thủy thủ đoàn, có thể là người Miến Điện, bỏ rơi tại vịnh Bengale. Tổ chức phi chính phủ Projet Arakan nhận được lời kêu cứu từ một chiếc tầu khác không xa bờ biển Thái Lan và Malaysia, với khoảng 350 người, trong đó có vài chục phụ nữ và trẻ em. Những kẻ dẫn đường đã cố ý làm hỏng động cơ.

Theo nhiều tổ chức nhân đạo, từ khi chính phủ Thái Lan siết chặt kiểm soát  tệ buôn người, những kẻ tổ chức không dám đưa người nhập cư trái phép vào lãnh thổ Thái Lan mà bỏ mặc họ giữa biển.

Thái Lan truy bắt một quan chức địa phương bị tình nghi dính vào đường dây buôn người

Từ hôm qua, 12/05, cảnh sát Thái Lan cũng đang truy tìm Ko Tong, tên thật là Pajjuban Aungkachotephan, dân biểu của một tỉnh miền nam nước này, vì nghi ngờ nhân vật này là một mắt xích trong đường dây buôn người tại khu vực.

Hãng tin AFP cho biết các nhà điều tra đang lục soát hòn đảo thuộc sở hữu của vị dân biểu này, gần hải phận với Malaysia, vì đây có thể là điểm trung chuyển. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng Ko Tong đã bỏ trốn khỏi Thái Lan từ khi có lệnh truy nã ngày 09/05 vừa qua.

Vài năm gần đây, nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo cảnh sát và quân đội Thái Lan luôn nhắm mắt làm ngơ, thậm chí đồng lõa với nạn buôn người.

Tuy nhiên, từ hai tuần nay, Thái Lan đẩy mạnh tấn công vào các mạng lưới buôn người. Nhiều trại trung chuyển người nhập cư Miến Điện và Bangladesh, được đặt bí mật trong các khu vực phía nam Thái Lan đã bị dỡ bỏ.

Hàng năm, vài chục ngàn người từ miền nam Thái Lan chạy sang Malaysia hay các nước khác, để kiếm sống hoặc tránh bị trấn áp như trường hợp người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.