Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á-THUYỀN NHÂN

LHQ kêu gọi các nước ASEAN cứu trợ thuyền nhân

Khoảng 8. 000 thuyền nhân đang lênh đênh trong vùng biển Đông Nam Á. Liên Hiệp Quốc cũng như Cơ quan Di dân Quốc tế OIM, một tổ chức liên chính phủ với 157 thành viên, thúc giục Đông Nam Á cứu cấp thuyền nhân đến từ Bangladesh và Miến Điện. Một tàu chở khoảng 500 di dân bị hải quân Indonesia kéo ra khơi. Thái Lan thông báo triệu tập hội nghị về thuyền nhân vào cuối tháng 5.

Thuyền nhân Rohingya cập bến đẩo Aceh. Ảnh ngày 11/05/2015.
Thuyền nhân Rohingya cập bến đẩo Aceh. Ảnh ngày 11/05/2015. Reuters
Quảng cáo

Vào lúc hồ sơ thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải được đưa ra Liên Hiệp Quốc thì tại Đông Nam Á, hiện tượng thuyền nhân cũng bắt đầu gây lo ngại trong công luận.

Từ ngày 10/05/2015 hơn 2000 người tỵ nạn, đa số là sắc dân thiểu số Rohingya, theo đạo Hồi, được Liên Hiệp Quốc xem là sắc dân bị áp bức nghiêm trọng nhất trên thế giới, đã đến được bờ biển Malaysia và Indonesia.

Tuy nhiên, theo tổ chức thiện nguyện Projet Arakan, một hiệp hội bảo vệ người Rohingya, hiện tại ngoài khơi Malaysia và Indonesia có khoảng 8. 000 thuyền nhân đang trôi dạt.

Một chiếc tàu chở 600 thuyền nhân đã đến đảo Aceh nhưng một chiếc thuyền khác với khoảng 500 người  đã bị hải quân Indonesia kéo ra khơi. Phát ngôn viên hải quân Indonesia thông báo rõ : tiếp tế lương thực, xăng dầu và chỉ đường cho thuyền nhân đi sang… Malaysia.

Theo AFP, hàng năm, có hàng chục ngàn người Rohingya tìm đường sang Thái Lan lánh nạn nghèo khó ở Bagladesh hay tình trạng kỳ thị áp bức tại Miến Điện. Tuy nhiên, từ khi chính quyền quân sự Thái Lan sau khi phát hiện nhiều hố chôn tập thể, quyết định ngăn chận nạn di dân bất hợp pháp thì các tổ chức buôn người không dám « đổ bộ » lên miền nam đất Thái, mà chuyển hướng sang Malaysia và Indonesia xa xôi hơn. Chính phủ Miến Điện, tuyên bố Bangladesh mới là « cội nguồn » xuất phát hiện tượng thuyền nhân Rohingya.

Thái độ đùn đẩy trách nhiệm của các nước ASEAN buộc Liên Hiệp Quốc lên tiếng báo động. Theo phát ngôn viên Phủ Cao ủy Tỵ nạn Vivian Tan, những người sống sót cho biết khi xuống thuyền vượt biên họ không đem theo nhiều thức ăn, nước uống. Nếu trôi dạt nhiều tuần lễ thì tình trạng sức khỏe của họ ra sao ? Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi « các nước trong vùng phối hợp với nhau để tìm một giải pháp hợp lý nhất ».

Tổ chức Di dân Quốc tế (OIM), qua phát ngôn viên khu vực Joe Lowry ở Bangkok, cũng kêu gọi « các chính phủ ASEAN, với phương tiện hải thuyền và vệ tinh, phối hợp cấp cứu thuyền nhân ».

OIM lo ngại sẽ có nhiều người chết vì thiếu lương thực và nước uống nếu không có một chiến dịch tìm kiếm và cứu trợ khẩn cấp.

Theo AFP, cũng như trong vùng biển Địa Trung hải, nơi mà làn sóng thuyền nhân từ Libya mạo hiểm vượt biển sang châu Âu, các đường dây buôn người tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục ăn nên làm ra nếu cộng đồng quốc tế không có một chính sách đối phó chung để ngăn chận.

Theo tin giờ chót, vào chiều hôm nay, bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo tổ chức hội nghị « bất thường » về di dân bất hợp pháp trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.