Vào nội dung chính
ĐÔNG NAM Á - CÔNG LUẬN

Malaysia : Luật chống khủng bố bị chỉ trích

Hôm nay, 07/04/2015, Quốc hội Malaysia vừa thông qua một đạo luật chống khủng bố. Thế nhưng, phe đối lập Malaysia đã chỉ trích luật này, vì sợ rằng chính quyền sẽ dựa vào đó để gia tăng trấn áp những người chỉ trích chế độ.

Biểu tình ủng hộ nhà đối lập Anwar Ibrahim, bị kết án tù, Kuala Lumpur, 07/03/2015.
Biểu tình ủng hộ nhà đối lập Anwar Ibrahim, bị kết án tù, Kuala Lumpur, 07/03/2015. REUTERS/Olivia Harris
Quảng cáo

Mục tiêu của luật chống khủng bố này là nhằm đối phó với mối đe dọa khủng bố tại quốc gia có đa số dân là Hồi giáo này. Đạo luật được thông qua ngay sau khi cảnh sát Malaysia vừa bắt giữ 17 nghi can khủng bố hôm qua. Chính quyền Kuala Lumpur hiện rất lo ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Malaysia. Hàng chục người từ nước này đã sang Syria và Irak để gia nhập hàng ngũ quân thánh chiến.

Theo lời giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia, nhóm 17 người nói trên, tuổi từ 14 đến 49, đã bị bắt khi đang họp bí mật để chuẩn bị các vụ tấn công khủng bố. Mục tiêu của nhóm khủng bố này là thành lập tại Malaysia một tổ chức theo mô hình Nhà nước Hồi giáo. Hai trong số các nghi can khủng bố là từ Syria trở về.

Tháng Giêng vừa qua, cảnh sát thông báo đã bắt giữ tổng cộng 120 người bị nghi có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoặc có ý định sang Syria hay Irak.

Để đối phó với nguy cơ khủng bố, đạo luật mới cho phép bắt giam bất cứ ai bị tình nghi khủng bố, mà không cần truy tố. Chính điều này đã bị phe đối lập Malaysia chỉ trích kịch liệt. Theo lời một dân biểu đối lập, ông N. Surendran, đạo luật mới như vậy là cho phép bắt giam nhiều ngày mà không cần đưa ra xét xử, mở đường cho việc lạm dụng luật và đây là một sự vi phạm nghiêm trọng dân chủ.

Đạo luật mới chống khủng bố khiến nhiều người sợ rằng Malaysia sẽ quay trở lại đạo luật về an ninh nội địa trước đây, cũng cho phép bắt giam không xét xử, vẫn được dùng để bỏ tù các chính khách đối lập. Đạo luật này đã bị hủy bỏ vào năm 2012 dưới áp lực đòi cải tổ của dư luận Malaysia.

Đối với phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch, ông Phil Robertson, việc thông qua luật chống khủng bố là « một bước thụt lùi to lớn về nhân quyền ở Malaysia ».

Sau cuộc bầu cử vào năm 2013, liên minh cầm quyền liên tục từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957 đã tung ra một chiến dịch trấn áp quyền tự do ngôn luận và các quyền dân sự khác. Hàng chục nhà đối lập, gồm các chính khách, trí thức, nhà hoạt động và phóng viên, đã bị bắt giữ trong những tháng vừa qua. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.