Vào nội dung chính
AI CẬP - PHÁP

Ai Cập cần chiến đấu cơ Rafale của Pháp để bảo vệ an ninh

Hôm qua, 16/02/2015, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Ai Cập Sissi và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Dassault Aviation của Pháp Eric Trappier đã ký hợp đồng đầu tiên xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale sang Ai Cập.

Chủ tịch tập đoàn Dassault Eric Trappier và tướng Montasser ký kết hợp đồng bán Rafale với sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập al-Sisi và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian - REUTERS
Chủ tịch tập đoàn Dassault Eric Trappier và tướng Montasser ký kết hợp đồng bán Rafale với sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập al-Sisi và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian - REUTERS
Quảng cáo

Cairo đã đặt mua đến 24 chiếc Rafale chính là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ an ninh cho nước này trong bối cảnh căng thẳng khu vực và quốc tế đang gia tăng nỗ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và những tổ chức khủng bố khác.

Hợp đồng mua máy bay Rafale được ký đúng vào lúc quân đội Ai Cập vừa oanh kích vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở nước Libya láng giềng, vài giờ sau khi lực lượng thánh chiến công bố một đoạn video quay cảnh chặt đầu 21 tín đồ Cơ đốc giáo Ai Cập bị bắt vào tháng Giêng tại đây.

Từ khi được không quân Pháp đưa vào sử dụng năm 2004, chiến đấu cơ Rafale vẫn chưa được xuất khẩu ra nước ngoài, sau 6 lần đàm phán thất bại. Từ tháng Giêng năm 2012, Paris và hãng Dassault đã thương lượng với Ấn Độ về hợp đồng bán 126 chiếc Rafale. Pháp cũng đang trông chờ vào Qatar, một khách hàng tiềm tàng, có thể mua 36 chiếc.

Nhưng hợp đồng bán 24 chiếc Rafale cho Ai Cập đã được thương lượng trong một thời gian kỷ lục, tức là chưa tới 3 tháng, cho thấy Cairo đang muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng minh Hoa Kỳ.

Nhu cầu trang bị vũ khí khẩn cấp của Ai Cập xuất phát từ việc nước này đang đối đầu với nhiều thách thức về an ninh, đặc biệt là từ nước Libya láng giềng, một quốc gia đang lún sâu vào hỗn loạn, với các trận giao tranh giữa những lực lượng dân quân.

Ngay trên lãnh thổ Ai Cập, ở phía Tây, lực lượng Hồi giáo cực đoan, với sự yểm trợ của các chiến binh đến từ Syria, thường xuyên gây nhiều tổn thất cho quân đội Ai Cập. Còn ở miền Nam, tại vùng Thượng Ai Cập, tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo vẫn còn hoạt động mạnh, cho dù đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Chính ba yếu tố nói trên đã buộc Tổng thống Sissi phải gấp rút ký một hợp đồng quân sự lớn, nhất là hiện nay, không quân Ai Cập đang rất cần được trang bị máy bay tiêm kích để có thể can thiệp trong nước và trong khu vực.

Khi oanh kích vào các vị trí của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại Lybia hôm qua 16/02/2015, không quân Ai Cập đã sử dụng chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Cho tới nay, Cairo chỉ có thể dựa vào Hoa Kỳ để trang bị vũ khí, nay với hợp đồng mua 24 chiếc Rafale, họ vừa có thêm một nguồn cung cấp khác.

Có qua thì có lại, bán được 24 chiếc Rafale, Paris lại càng phải yểm trợ cho chính quyền Tổng thống Sissi, một chế độ đang bị quốc tế lên án vì đàn áp thô bạo phe đối lập.

Thật ra, Pháp cũng như các nước phương Tây khác và các nước trong khu vực đang rất lo ngại trước nguy cơ mất ổn định do sự hiện diện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo ở Syria, Irak và nay ở cả Libya, quốc gia có đến cả ngàn km đường biên giới chung với Ai Cập.

Thành ra, Paris đành phải bỏ ngoài tai những chỉ trích của các tổ chức bảo vệ nhân quyền để bán chiến đấu cơ Rafale cho chính quyền Cairo, với lập luận rằng, muốn có phát triển và dân chủ thì trước hết phải bảo đảm được an ninh cho Ai Cập. Chưa kể là quân đội Ai Cập còn cần phải có đủ khả năng bảo đảm an ninh cho kênh đào Suez, nơi trung chuyển phần lớn giao thương hàng hải của thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.