Vào nội dung chính
HOA KỲ - ẤN ĐỘ

Mỹ - Ấn khai thông hợp tác hạt nhân dân sự

Thủ đô New Delhi được tăng cường an ninh tối đa. Lần đầu tiên một đương kim Tổng thống Hoa Kỳ là thượng khách của Ấn Độ nhân ngày lễ Cộng hòa 26 tháng Giêng. Sự hiện diện của Tổng thống Barack Obama và phu nhân đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa Washington với New Delhi.

Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong buổi họp báo chung tại New Delhi, ngày 25/01/2015.
Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong buổi họp báo chung tại New Delhi, ngày 25/01/2015. REUTERS/Adnan Abidi
Quảng cáo

Trong ngày đầu tiên công du Ấn Độ, 25/01/2015, lãnh đạo hai nước đã có một cuộc tiếp xúc riêng trong ba giờ đồng hồ. Đôi bên cùng nhấn mạnh đến sự tin tưởng lẫn nhau. Nhưng nổi bật nhất là cam kết thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Tường thuật của thông tín viên Sébastien Farcis từ New Delhi :

“Đây là bước đột phá quan trọng nhất trong chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama. Việc đôi bên khởi động lại chương trình hợp tác hạt nhân dân sự cho phép các tập đoàn Mỹ xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Ấn Độ. Để đạt được thỏa thuận đó, ông Obama đã đồng ý trao công tác giám sát các nhà máy điện lực tương lai của Ấn Độ cho các chuyên gia trực thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Đây là điều mà từ trước tới nay phía Washington vẫn không chấp nhận và gây trở ngại cho tiến trình hợp tác song phương.

Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi cam kết thành lập một quỹ bảo hiểm, để bồi thường cho các tập đoàn xây dựng nước ngoài trong trường hợp xảy ra tai nạn. New Delhi nhìn nhận là các tập đoàn Mỹ sẽ chỉ có trách nhiệm giới hạn. Trước mắt Thủ tướng Ấn chưa cho biết ông sẽ làm cách nào để bảo vệ các doanh nghiệp của Hoa Kỳ về phương diện pháp lý. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là sự đồng thuận của hai lãnh đạo Mỹ-Ấn về điểm này. Trong 5 năm qua, chính sự lo ngại về phương diện pháp lý nói trên đã gây trở ngại cho hợp tác hạt nhân dân sự song phương. Một khi Ấn Độ xua tan lo ngại về mặt pháp lý, tập đoàn Pháp Aréva đang có dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới không xa Bombay, cũng sẽ được hưởng lợi nhờ bước đột phá nói trên và nhờ vào thái độ cởi mở hơn của chính phủ Ấn Độ”.

Chiều nay Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi sẽ cùng phát biểu trước các doanh nhân. Ông Modi từ khi lên cầm quyền không ngừng kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế vào Ấn Độ hoạt động. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều Mỹ-Ấn đạt 100 tỷ đô la một năm. Washington đề ra mục tiêu nâng con số đó lên gấp 5 lần trong một vài năm tới. Tối nay Tổng thống Obama sẽ rời Ấn Độ, lên đường đến Ryad, tiếp kiến tân vương Ả Rập Xê Út, Salaman.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.