Vào nội dung chính
THÁI LAN

Chính quyền quân sự Thái gia tăng đàn áp nghệ sĩ

Phải ra nước ngoài sống lưu vong để tránh bị cầm tù vì tội khi quân đối với Hoàng gia Thái Lan, các thành viên một đoàn kịch lên án chính quyền quân sự gia tăng đàn áp giới nghệ sĩ ở Thái Lan hiện nay.

Nhiều nghệ sĩ Thái phải sống lưu vong vì có nguy cơ bị truy tố vì tội khi quân - REUTERS /Chaiwat Subprasom
Nhiều nghệ sĩ Thái phải sống lưu vong vì có nguy cơ bị truy tố vì tội khi quân - REUTERS /Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, hiện đã có hai diễn viên của đoàn kịch mang tên « Prakai Fai » ( Nổi lửa lên ) đang bị giam vì đã tham gia đóng vở kịch « Hôn thê của sói ». Vở kịch này bị nhiều đơn kiện với lý do là có nội dung nói xấu Hoàng gia Thái Lan thông qua một câu chuyện xảy ra tại một vương quốc tưởng tượng. 

Vở kịch « Hôn thê của sói » đã được trình diễn vào tháng 10/2013 tại trường đại học danh tiếng Thammasat nhân kỷ niệm 40 năm phong trào nổi dậy của sinh viên Thái Lan bị quân đội dìm trong biển máu. Trong phiên xử vào tuần trước tại Bangkok, hai thành viên bị bắt của đoàn kịch đã nhận tội. Tòa sẽ tuyên án vào ngày 23/02 tới. 

Sáu diễn viên khác của đoàn kịch này cũng đang bị truy nã, chiếu theo điều luật 112, quy định án tù lên đến 15 năm đối với những ai bị xem là phạm tội khi quân đối với quốc vương và hoàng gia nói chung. 

Trong số 6 diễn viên bị truy nã, có ít nhất hai người đã đào thoát được ra nước ngoài, giống như hàng chục nhà trí thức, nhà đối lập phải sống lưu vong để tránh bị đem ra tòa trong các phiên xử vì tội phạm thượng, được phe quân sự mở ra liên tiếp kể từ cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào tháng 5 vừa qua.

Nhà trí thức thân cận với phe Áo Đỏ ( phe thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra), Jaran Ditapichai, người đã đề xuất việc đưa đoàn kịch « Prakai Fai » đến trình diễn ở đại học Thammasat, cũng bị truy tố về tội phạm thượng, nhưng nay ông đã được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị ở Pháp. 

Trả lời hãng tin AFP từ nơi đang sống lưu vong, một thành viên của đoàn kịch « Prakai Fai » nói : « Hiện nay giống như đang có một màn sương mù bao phủ lên vương quốc Thái. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận rằng Thái Lan vẫn còn những đạo luật ngăn chận những ý kiến chỉ trích, những đạo luật bịt miệng người dân như vậy »

Với việc mở ra liên tiếp các phiên xử về tội khi quân, chính quyền quân sự có vẻ như nhắm đến việc dứt bỏ vĩnh viễn ảnh hưởng của phe cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện cũng đang phải sống lưu vong để tránh bị đem ra xử về tội tham nhũng. Trả lời AFP, thành viên nói trên của đoàn kịch « Prakai Fai » cũng cho rằng trong bối cảnh chuẩn bị đưa người lên kế vị quốc vương Bhumibol, hiện đang bệnh rất nặng, phe quân sự sử dụng luật về tội khi quân như là một công cụ để triệt hạ phe đối lập Thái Lan. 

Phe quân sự thậm chí còn khuyến khích người dân tố giác những ai bị xem là phạm tội khi quân, đồng thời tăng cường lực lượng kiểm soát trên mạng để phát hiện những lời lẻ bị xem là phạm thượng. 

Theo thống kê của Liên đoàn quốc tế nhân quyền ( FIDH ), trụ sở tại Paris, kể từ cuộc đảo chính tháng 5 đến nay, đã có 18 người bị bắt vì tội khi quân. Ấy là chưa kể nhiều quan chức cao cấp của cảnh sát Thái Lan cũng đã bị bắt vì tội này, trong đó có cả người thân của công chúa Srirasmi, vợ của hoàng thái tử, nhưng nay đã sống ly thân và mất tước hiệu công chúa. 

Trong số những người dân bình thường bị bắt chiếu theo điều 112, có một tài xế taxi, bị kết án 2 năm rưỡi tù giam, vì những lời nói bị coi là phạm thượng của ông đã bị một người khách ghi lén và báo cho cảnh sát. Thậm chí chỉ vì chỉ trích một vị vua Thái Lan đã trị vì cách đây 400 năm mà một nhà sử học đã bị kiện vì tội khi quân. 

Những vụ xử về tội phạm thượng lại do các tòa án quân sự đảm trách, cho nên báo chí Thái Lan cũng như báo chí quốc tế rất khó theo dõi. Chưa kể là họ phải tự kiểm duyệt khi đề cập đến hồ sơ này để tránh bị rắc rối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.