Vào nội dung chính
CHÂU Á - THÁI LAN

Thái Lan : Phong trào chống chính quyền quân sự dâng cao

Một số rạp chiếu phim ở Bangkok đã tạm ngưng chiếu bộ phim « Hunger Games » tập mới, sau khi một số sinh viên bị câu lưu vì đã giơ ba ngón tay chào theo kiểu bộ phim này, một hành động biểu tượng cho thái độ chống chính quyền quân sự tại Thái Lan hiện nay. 

Tướng Prayuth Chan-ocha,  nay là Thủ tướng Thái Lan đang chuẩn bị phải đối mặt với làn sóng phản kháng mới. Ảnh chụp ngày 21/8/2014 tại Chonburi, Thái Lan.
Tướng Prayuth Chan-ocha, nay là Thủ tướng Thái Lan đang chuẩn bị phải đối mặt với làn sóng phản kháng mới. Ảnh chụp ngày 21/8/2014 tại Chonburi, Thái Lan. REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5 vừa qua, dẫn đến việc nền dân chủ bị đình chỉ và mọi cuộc biểu tình đều bị cấm, kiểu chào của phim Hunger Games ( ngón cái và ngón út gập lại, ba ngón kia giơ lên ) đã trở thành một biểu tượng cho thái độ phản kháng tập đoàn quân phiệt.

Chính vì đã giơ tay chào theo kiểu này mà hai sinh viên đã bị câu lưu trước rạp chiếu phim Scala ở Bangkok hôm nay, 20/11/2014. Trong số hai sinh viên này, có anh Ratthapol Supasopon, thuộc một nhóm Facebooker phản kháng có tên là « Liên đoàn Thammasat Tự do vì Dân chủ » ( LLTD ).

Đến phân phát miễn phí vé xem phim « Hunger Games », trước khi bị câu lưu, Ratthapol tuyên bố với các phóng viên : « Hiện nay ở Thái Lan không còn tự do nữa. Ai cũng sợ nói hay làm những gì bị xem là xấu. Chúng tôi chỉ muốn xem phim, chứ không biểu tình ». Nhưng vì sợ xảy ra các vụ lộn xộn, rạp Scala đã tạm ngưng chiếu phim « Hunger Games », mặc dù đây là phim rất ăn khách ở Thái Lan.

Một nữ sinh viên cũng đã bị câu lưu và đưa đến một trại lính để thẩm vấn vì đã chào theo kiểu phim « Hunger Games ». Theo giải thích của một sĩ quan cảnh sát Bangkok, cô này trước đây đã nhiều lần giơ tay chào như vậy. Hôm qua, 5 sinh viên cũng đã bị câu lưu ở miền Đông Bắc Thái Lan vì đã giơ ba ngón tay chào tướng Prayuth Chan-O-Cha, lãnh đạo chế độ quân sự kiêm thủ tướng, khi ông đến thăm vùng này.

Tại Thái Lan hiện nay, không chỉ có sinh viên mà giới báo chí và trí thức chỉ trích chế độ quân sự ngày càng nhiều. Mặc dù nỗ lực trấn áp, nhưng tập đoàn quân phiệt không thể nào hạn chế được quyền tự do ngôn luận, như tường trình của thông tín viên RFI Arnaud Dubus từ Bangkok :

Đây là lần đầu tiên tướng Prayuth Chan-O-Cha, lãnh đạo chính quyền quân sự và thủ tướng, đến miền Đông Bắc Thái Lan, vốn là cứ địa của phe đối lập. Và đúng là như thế, một nhóm sinh viên đã tỏ cho thấy là tướng Prayuth Chan-O-Cha không được hoan nghênh tại đây.

Trong lúc Thủ tướng Thái Lan đang đọc diễn văn, họ đã xông đến trước mặt ông, hô khẩu hiệu phản đối cuộc đảo chánh 22/05 và giơ ba ngón tay chào, hành động biểu tượng cho phong trào phản kháng tập đoàn quân phiệt.

Sau nhiều giờ bị thẩm vấn, năm sinh viên nói trên đã được thả ra. Đây không phải là hành động phản kháng riêng lẻ. Trong những ngày gần đây, một bộ phận dư luận ở Thái Lan đã bắt đầu tỏ thái độ bất mãn.

Các phóng viên đã lên tiếng phản đối những hạn chế đối với truyền thông. Các thành viên những tổ chức xã hội dân sự lên án việc chính quyền quân sự đàn áp những dân làng khiếu kiện về đất đai.

Phe quân sự và chính quyền do họ dựng lên muốn kiểm soát hoàn toàn các quyền tự do chính trị để có thể cải tổ hệ thống chính trị theo ý của họ. Nhưng dần dần họ nhận thấy rằng không dễ gì bịt miệng một xã hội ý thức được các quyền của mình như xã hội Thái Lan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.