Vào nội dung chính
CHÂU Á

Quân đội Miến Điện chống sửa đổi Hiến pháp

Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong chuyến công du Miến Điện, kêu gọi chính quyền nước này sửa đổi Hiến pháp, trong đó có điều khoản ngăn cản bà Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống, đại diện quân đội tại Quốc hội Miến Điện cho biết họ chống lại việc sửa đổi điều khoản này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama  tại Naypyidaw ngày 12/11/2014.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Naypyidaw ngày 12/11/2014. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Ngày 17/11/2014, dân biểu, đại tá Htay Naing, tuyên bố tại Quốc hội : « Tôi muốn lưu ý quý vị là Hiến pháp được lập ra không phải chỉ cho một người, mà cho tất cả mọi người ». Vị dân biểu này bổ sung, điều đáng quan tâm « nếu như con cái của Tổng thống đất nước chúng ta là công dân nước ngoài ».

Người chồng quá cố và hai người con của bà Aung San Suu Kyi mang quốc tịch Anh. Điều 59 Hiến pháp hiện hành của Miến Điện không cho phép bà trở thành Tổng thống.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Rangoon, ngày 14/11, bà Aung San Suu Kyi đã nói rằng Hiến pháp hiện nay của Miến Điện « không công bằng, không bình đẳng và phi dân chủ », và cảnh báo là công cuộc cải cách dân chủ tại Miến Điện có nguy cơ bị khựng lại.

Theo luật pháp Miến Điện, quân đội đương nhiên có 25% số đại biểu tại Quốc hội và chiểu theo Mục 436 của Hiến pháp, việc sửa đổi văn bản này phải có sự chấp thuận của 75% số dân biểu tại Quốc hội. Do vậy, quân đội vẫn có tiếng nói quyết định trên chính trường Miến Điện.

Trong năm nay, bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã thu thập được khoảng 5 triệu chữ ký – tương đương 10% dân số - kiến nghị bãi bỏ quyền phủ quyết của quân đội trong việc sửa đổi Hiến pháp.

Thế nhưng, quân đội gạt bỏ mọi áp lực đòi sửa đổi Hiến pháp. Dân biểu, đại tá Htay Naing nói thẳng : « Chưa đến lúc sửa đổi Mục 436 ». Theo ông, hiện nay, Miến Điện đang phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột với các cộng đồng thiểu số, do vậy, quân đội vẫn phải giữ vai trò quan trọng, đòi hỏi phải có sự đoàn kết, trước khi tính đến những thay đổi quan trọng trong Hiến pháp.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.